
Tâm sự ngành #13 – Bóc Phốt
Đợt này lắm phốt, mà mình thì tính hay hóng hớt, rồi buồn tay buồn chân thế nào ko viết nó khó chịu nên lại làm 1 bài TSN để mở sới ae vô 8-9-10 chơi. Vẫn theo luật cũ là các bài TSN sẽ không đề cập, không mang tính chỉ trích, trách móc, bình luận chính danh một ai. Chỉ dựa trên quan điểm cá nhân, chia sẻ góc nhìn, kinh nghiệm, câu chuyện của cá nhân mình. Ai hợp thì ở lại làm cốc trà đá từ từ mình cùng 8, còn ai thấy không hợp thì vui vẻ lướt qua, Ha !
Ok vào đề nào!
Chuyện là gần đây có 1 khầy bị bóc phốt lùa gà, cung cấp giá trị cơ bản nhưng lại thu phí trên bản (vùng cao). Chưa kể tới thì ngoài chất lượng đào tạo kém, súp pót cũng ối zời ơi nên ae ném đá quá trời. Ném kiểu gì tự dưng mình cũng bị 1 viên, chả hiểu sao !
Rồi thì những câu ae bàn luận thường hay nhắc tới là :"Nếu nó bán được hàng thật thì việc Đ’o gì nó phải đi dạy” và “Khi mà thị trường bão hoà, không còn ăn được nữa thì mới đi share” ,…. Mình phải công nhận là ae nói chả sai câu nào, có điều góc nhìn nó hơi tiêu cực và thiếu 1 vế nữa….
Sau khi mình suy nghĩ một hồi thì nó nên là như thế này : Không bán được hàng nên mới đi dạy & Không được bán hàng nên mới phải đi dạy… Haha
Tại sao lại đúng và tại sao lại thiếu?
Mổ xẻ câu đầu tiên trước nhé - Không bán được hàng nên mới đi dạy :
- Trường hợp đầu tiên - Lùa gà, tức đúng như anh em nói, có nhiều người học được vài thứ cơ bản, xong chưa chắc đã làm, chưa chắc đã trải mà chỉ tận dụng tính ngại tìm hiểu của cơ số những người FOMO mà sử dụng chiêu trò marketing Lùa vào bán toàn thứ cơ bản. Và cũng chính vì có phải seller, có bán hàng bao giờ đâu cho nên là sau khoá học chả có thêm gì update, chả có support (thường toàn là tình huống phát sinh người ta mới hỏi). Giá thì trên trời vì phải chia 5 xẻ 7 cho hệ thống Sale đi seeding, bơm thổi, tạo động lực để bơm vào đầu những người đang FOMO một viễn cảnh màu hồng tươi đẹp, dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên thì theo mình thấy, hình thức này cũng chỉ hớt váng thôi, vì hễ có phốt cái là kiểu gì cũng bán xới khỏi ngành.
- Trường hợp thứ 2 – nguồn thu chính là từ bán khoá học chứ không phải là bán hàng – họ coi đây là nghề mang lại thu nhập chính (bởi số từ bán hàng được mấy đồng đâu), cho nên bạn tinh ý sẽ nhận ra là tần xuất mở khoá học dày đặc, và thường cũng chỉ là khoá ngắn ngày. Nội dung thì nhiều hơn TH 1 vì có xuất thân từ seller, có bán hàng, có update nên sẽ có support trong giới hạn. Và giá thì chắc sẽ đỡ hơn dạng 1 vì định giá nó bớt đa cấp đi.
- Trường hợp 3 - dạy học để xử lý dòng tiền ngắn hạn. Mình cũng thường như thế này, tức là đúng như anh em nói, không bán được hàng nên mới đi dạy Nếu để ý kỹ các bạn sẽ thấy mình đã từng tuyển sinh đào tạo vào 1 số thời điểm : Toang năm 2019 (bị Amazon hold sạch tiền), Covid-19 (hàng bị tắc, không ship được), và một số thời điểm hết tiền đi hàng... Còn thông thường khi có đơn đều, dòng tiền không bị tắc thì ít khi thấy ngoi lên mặt nước mà tuyển sinh dạy học. Bởi đúng như ae nói, lúc ổn ổn, đang túc tắc ngày vài chục tới trăm đơn thì số tiền lợi nhuận hàng ngày thu về đủ để sống thoải mái không áp lực rồi, tội gì đi dạy vác mệt vào thân.
Sau này thì mới có cái vế thứ 2 - Không được bán hàng nên mới phải đi dạy!
Ủa kỳ, sao lại không được bán hàng?
- Đầu tiên là khi số đã lên kha khá, mình tuyển thêm nhân viên, chia nhỏ từng khâu ra để mỗi người phụ trách 1 phần trong chuỗi công việc. Lúc này việc đào tạo thường chỉ tập trung vào đào tạo nội bộ.
Khúc này đúng chuẩn 1 số ae hay bảo là : Đang bán ngon thì thà đào tạo nhân viên bán hàng cho mình chứ việc gì phải đi dạy người khác làm gì!
Và khi mà một người không phải ôm đồm quá nhiều việc nữa, chuyên môn hoá hơn thì ngoài việc mình rảnh tay hơn để tận hưởng những thú vui của bản thân, giành thời gian cho gia đình thì sau một thời gian sẽ thấy business của mình lớn hơn khi mình phải tự mò rất nhiều. Nhiều người hơn thì bán được nhiều account hơn, chuyên môn hoá hơn thì họ sẽ tự sáng tạo ra cách làm riêng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Việc của mình lúc này chỉ là theo dõi, điều chỉnh, quản lý để ae đi đúng hướng, quản lý dòng tiền để ae đỡ lúc bán được hàng thì không có tiền, lúc có tiền thì lại không bán được hàng.
Và nó sinh ra việc : nói về tổng quan thì mình tốt hơn nhưng đi vào chi tiết thì lại chả bằng được ae.
Bởi vậy nên mới có chuyện - Không được bán hàng nên mới phải đi dạy!
Một phần để đỡ Nhà Cư Vi Bất Thiện, một phần để có thêm Vốn ngoài góp vào dòng tiền để xử lý khi gặp khó khăn bất trắc, để có thêm tiền nhập hàng.
- Trường hợp thứ 2 hơi oái oăm là : khi làm dịch vụ quản lý tài khoản cho khách hàng hay đi sâu vào mảng đào tạo thì không được bán hàng! Khúc này có một số góc nhìn dạng : nếu làm quản lý bán hàng hoặc dạy học mà cũng cả bán hàng thì sẽ dễ công tư không phân minh, đi spy idea, nguồn hàng của khách đi bán lấy lời riêng. Đợt đầu mình dạy học cũng kiểu đem case study của mình ra hướng dẫn ae xong sau khoá học thì quá bán ae được mình dạy bán đúng sp của mình hướng dẫn, chs
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu làm quản lý hay đào tạo mà không thực chất, thực chiến thì lấy đâu ra kinh nghiệm xử lý tình huống bất trắc, và chắc gì dòng tiền thu về từ dịch vụ đã bằng đi bán hàng. Động lực đâu mà nhiệt huyết, bởi suy cho cùng thì ae đi theo mình ngoài vì xứ mệnh này xứ mệnh kia được tô vẽ để vượt qua khi khó khăn thì ae cũng cần tiền để phục vụ cuộc sống mà!
Bởi vậy nên mặc dù hơi tế nhị, nhưng cũng phải rõ ràng về việc muốn có kinh nghiệm thực tế, thì chắc chắn người làm dịch vụ phải tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình bán hàng!
Ok, đến với phần 2 là việc định giá một khoá đào tạo sao cho hợp lý đây?
Viện dẫn câu chuyện từ một người bạn của mình làm về ngành đào tạo, bạn ấy mới chuẩn bị ra mắt một khoá hướng dẫn về AI, tự tin rằng những gì mình hướng dẫn, chia sẻ đều rất hữu ích và có thể giúp người tham gia học có thể kiếm được tiền & giúp ích được rất nhiều cho việc phát triển công việc hiện tại lẫn tương lai. Cùng với câu hỏi là chi tiết nội dung của khoá đào tạo mà bạn đã chắt lọc, xây dựng trong 1 thời gian nghiên cứu phát triển. Nên định giá trong khoảng 3-5 triệu hay nhiều hơn?
Ngẫm nghĩ một lúc mình đưa ra một số gợi ý để bạn ấy có thể tham khảo định giá khoá học phù hợp như sau :
**Định giá cho 1 SP thường sẽ tùy thuộc vào 3 yếu tố :
1- Nhóm khách hàng mục tiêu : phân khúc khách hàng mà b đang hướng tới.
2- Giá trị sản phẩm : nội dung đào tạo có thật sự chất lượng & ứng dụng tạo giá trị cho KH ngay sau khóa học hay không.
3- Thương hiệu của người đào tạo : cái này phụ thuộc vào thương hiệu cá nhân mà b đang xây dựng. Định giá giá trị bản thân để quyết định giá cho SP mình sẽ cung cấp.
Để nói chi tiết hơn thì ta sẽ có :
1- Xác định phân khúc khách hàng mục tiêu - cái này sẽ quyết định về : volume khách hàng có thể khai thác, số tiền họ sẵn sàng có thể chi trả, dựa vào đặc tính của nhóm khách hàng ta cũng có thể tuỳ biến nội dung chia sẻ cho phù hợp, giúp họ có thể dễ dàng tiếp nhận, kèm theo đó là hướng phát triển kênh marketing phù hợp, thu hút họ.
Ví dụ như : nếu tệp khách hàng của bạn là sinh viên, vậy thì mức chi trả của họ chỉ giới hạn trong khoảng từ 500k-2tr/khoá đào tạo để họ có thể dễ dàng tiếp cận, học thêm. Hướng xây dựng nội dung cũng dừng ở mức những cách kiếm tiền online đơn giản, không quá phụ thuộc nhiều vào vốn hàng bán, kênh tiếp cận tập trung chính là trường học, mạng xã hội.
Tệp này thì hàng năm đều có một lứa sinh viên mới, đều năng động và nhiệt huyết kiếm tiền. Chưa kể là sau khi họ trưởng thành rồi thì bạn có thể tạo ra thêm những khoá mới giành cho hướng phát triển tiếp theo của họ. Những khoá đào tạo nội dung nâng cao hơn, có phí cao hơn.
Ngược lại, với nhóm trưởng thành hơn, có công việc, mô hình kinh doanh ổn định và đặc biệt là nhóm chủ doanh nghiệp lớn thì những khoá giá rẻ lại không hấp dẫn họ. Bởi họ tin tưởng vào một khoá đào tạo giá trị thì thường sẽ không có giá rẻ. Tương ứng với nó là sẽ cần bổ sung rất nhiều các kiến thức về quản trị, điều hành, kiến thức về các dòng sản phẩm tương ứng để có thể tiếp cận được họ. Những nội dung xây dựng cũng sẽ cần nhiều chất xám hơn, để khoá đào tạo của bạn hấp dẫn trong mắt họ.
2-Giá trị của sản phẩm : việc xác định xem việc mua một món hàng là đắt, rẻ hay hợp lý nó phụ thuộc vào việc món hàng được mua về có đáp ứng được sự kỳ vọng của họ hay không. Với các sản phẩm vật lý thì việc định giá sẽ dễ dàng hơn so với các sản phẩm vô hình, dạng dịch vụ, khoá học cũng là một dạng như vậy.
Với từng nhóm khách hàng kể trên thì việc kỳ vọng của họ cũng sẽ khác. Với các bạn sinh viên còn đang trên ghế nhà trường, sự ưu tiên của họ là làm sao để qua môn học với số điểm cao nhất, có thể tự lực lo cho bản thân, tự chi trả các chi phí sinh hoạt để không phải xin tiền ba mẹ. Với nhóm trưởng thành hoặc chủ doanh nghiệp thì kỳ vọng của họ sẽ cao hơn, là phát triển sản phẩm, doanh số, tối ưu quản lý, chi phí, phát triển giá trị thương hiệu,…
Vậy bạn sẽ phải đảm bảo rằng đầu ra của khoá đào tạo của bạn phải đáp ứng được kỳ vọng của họ, có thể sẽ chưa hoàn toàn đầy đủ nhưng những gì họ nhận về phải nhiều hơn những gì họ đã chi ra (tiền & thời gian tham gia khoá học của bạn).
Không phải ai bán hàng giỏi cũng là những người thầy giỏi, bởi kỹ năng bán hàng & kỹ năng sư phạm là 2 loại kỹ năng hoàn toàn khác nhau, và tương tự thì trong số hàng loạt những người bạn đào tạo thì phải chấp nhận rằng sẽ có người làm được và người thì không. Có thể không hẳn là bạn dạy dở, nhưng ít nhất bạn phải đảm bảo những gì bạn truyền tải, nếu người ta làm đúng theo hướng dẫn và nỗ lực đủ tốt thì sẽ có phần trăm lớn sẽ thành công.
3- Thương hiệu của người đào tạo : Giống với việc mua sắm một cái quần hay cái áo, với các thương hiệu nổi tiếng thì giá trị của nó tới 50% trở lên nằm ở cái logo được in trên sản phẩm. Với các khoá đào tạo thì khi mà người học tìm tới 1 người thầy thì họ cũng sẽ tìm hiểu, đánh giá xem họ là ai, tiểu sử của họ thế nào.
Lúc này cần xác định những giá trị mà thương hiệu của bạn có thể đem lại cho họ : sự đảm bảo, những mối quan hệ, kết nối giá trị trong cộng đồng, những ưu đãi đặc biệt mà chỉ bạn mới có thể đem lại cho họ,.. đó mới là thứ mà họ cần.
Việc định giá sản phẩm, gói đào tạo cũng dựa theo level mà thương hiệu của bạn đang sở hữu. Bạn có thể đi lên từ những gói giá rẻ, cơ bản khi mà bạn chưa là ai cả và tạo ra những gói cao cấp hơn, khi bạn đã xây dựng cho mình được một thương hiệu đủ lớn.
> Ve sầu thoát xác : nếu bạn thật sự muốn thay đổi và trở nên cao cấp hơn, bạn cần mạnh mẽ trong việc lược bỏ những giá trị cũ. Mình cứ sau một thời gian đào tạo thì sẽ public hầu như toàn bộ những gì mình đã dạy trong quá khứ miễn phí, tạo cho mình một động lực phát triển đủ lớn để thay đổi. Mình sẽ cần làm gì để những sản phẩm của mình tạo ra cao cấp hơn, khác biệt hơn, chất lượng hơn, mang lại nhiều giá trị thực tiễn hơn?
> Chung quy lại thì khi định giá sản phẩm sẽ cần đáp ứng 2 cái Hợp:
1- Phù hợp với khách hàng và kỳ vọng của họ
2- Phù hợp với bản thân và kỳ vọng của mình.
Bài dài rồi, cũng hơi lan man rồi, mình xin dừng viết ở đây và hẹn ae ở bài TSN tiếp theo!
#TamSuNganh
#TuanKayO